Những hạng mục cuối cùng trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đang được gấp rút hoàn thành để tuyến đường được tạm thời đưa vào sử dụng dịp 30/4/2023 sắp tới.
Còn một tuần trước ngày thông xe toàn tuyến, dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đạt hơn 95% tổng khối lượng. Khởi công vào tháng 10/2020, dự án có kế hoạch hoàn thành cuối năm 2022.
Nói về nguyên nhân thi công chậm tiến độ, đơn vị quản lý là Ban Quản lý dự án Thăng Long (Ban QLDA) cho biết, dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một số vấn đề về thời tiết, 4-6 tháng dịch Covid-19, phát sinh tài chính… Trong đó, khó khăn lớn nhất là thiếu đất đắp, hiện đã được giải quyết và chỉ cần tăng tốc thi công.
Đi hết 99km toàn tuyến, phóng viên ghi nhận hiện trạng mặt đường cơ bản đã hoàn thành. Trước đó vào 31/12/2022, dự án đã liền mạch và cho thông xe kỹ thuật. Tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều hạng mục đang được gấp rút bổ sung.
Theo báo cáo của Ban QLDA Thăng Long, tiến độ tổng thể vẫn bám sát kế hoạch thông xe dịp 30/4. Các nhà thầu đang khẩn trương thi công các hạng mục an toàn giao thông, hàng rào, hộ lan, sơn, vạch kẻ đường… Các đơn vị đang thực hiện sơn vạch kẻ đường đều khẳng định sẽ hoàn thành hạng mục này trước ngày thông xe. “Sau khi đo độ chính xác của vạch kẻ làn đường, chúng tôi vẽ sơn bằng máy nên sẽ rất nhanh. Thời tiết nắng nóng cũng khiến sơn mau khô hơn”, một công nhân chia sẻ.
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết có 6 nút giao, 65 cầu (18 cầu trên cao tốc và 47 cầu vượt đường ngang dân sinh). Theo quan sát của phóng viên, các nút giao dọc tuyến gần như được kết nối.
Xe đi qua địa phận hai tỉnh sẽ được ngắm nhìn đặc trưng của địa phương. Tuyến cao tốc qua tỉnh Đồng Nai dài 51,3km xuyên qua các cánh rừng cao su bạt ngàn.
Đoạn cao tốc qua địa phận tỉnh Bình Thuận, cảnh quan hai bên đường thay đổi bằng những cánh đồng thanh long, loại cây nông nghiệp đặc trưng của vùng.